Hội chứng viêm khủy tay khi chơi tennis

TPHCM có số lượng sân tennis nhiều nhất nước và dân chơi quần vợt cũng tăng không ngừng. Số lượng các tay vợt nghiệp dư “vào thăm” các bệnh viện chấn thương chỉnh hình cũng tăng cao vì hội chứng viêm khuỷu.


Xem thêm:




Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, trung bình mỗi tháng có hơn 100 bệnh nhân viêm đau khuỷu tay do chơi quần vợt. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, Giám đốc Bệnh viện cho biết, khi mới đau, bệnh nhân thường chủ quan, chỉ nghỉ chơi vài bữa, sau đó lại chơi tiếp. Vì thế, vết thương ngày càng nặng hơn. Môn tennis không đòi hỏi sức mạnh quá mức nhưng người chơi phải vận động liên tục.


Cách chơi đối với từng người cũng phải khác nhau. Chơi để giữ sức khỏe khác với tập để thi đấu, người trẻ chơi với cường độ khác người già. Không riêng gì tennis, mà với những môn thể thao ngoài trời, nếu chơi giữa trưa nắng thì dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải. Lâu dài, người chơi chẳng những không tăng thể lực mà càng mệt mỏi thêm. Chưa kể đến việc rối loạn điện giải sẽ gây chuột rút, tổn thương cơ...
ThS.BS Nguyễn Đình Phú, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh Viện Nhân dân 115, TPHCM cho biết: “Bệnh đau khuỷu do khi vận động gập, duỗi hoặc làm việc gắng sức... thường xảy ra ở người chơi thể thao sử dụng cẳng bàn tay nhiều như quần vợt, cầu lông, bóng bàn, đẩy tạ... Hoặc cũng thường gặp ở người lao động dùng bàn tay và cổ tay nhiều như thợ cơ khí, thợ mộc, thợ hồ, lái xe.



Tuy nhiên, bệnh nhân thường đến thầy võ để xoa thuốc rượu gia truyền hoặc châm cứu... khiến tình trạng đau kéo dài nếu không chữa trị sẽ dẫn đến thoái hóa gân và co rút bao khớp”. Riêng hội chứng đau vùng khuỷu do chơi quần vợt là tình trạng gây khó chịu cho người chơi, đôi khi nó còn được gọi là viêm gân hay viêm mỏm trên lồi cầu (cùi chỏ). Nó có thể xảy ra đối với bất cứ người nào thường xuyên vận động xoay cổ tay. Tổn thương này tác động lên các gân dính vào gập duỗi (gấp ra sau) cổ tay và các ngón.

Mỗi một sợi gân nhỏ của xương tại khuỷu nối với các bó cơ duỗi của cẳng tay. Sau các lần sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần, sợi gân làm việc quá sức, bị viêm và gây nên đau mặt ngoài khuỷu. Nguyên nhân do vi chấn thương quá tải lâu ngày, lặp đi lặp lại nhiều lần. Quá tải bên trong xuất phát từ sự co các cơ bám trên lồi cầu ngoài và dây chằng vòng, cònquá tải bên ngoài là do lực vặn xoắn khớp, căng xé cơ...

Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu do căng dãn cơ và thoái hóa nơi bám của gân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất từ 40-50 tuổi, khởi phát sau khi nhấc vật nặng hoặc chơi quần vợt đánh nghịch tay. Triệu chứng điển hình là đau nhói vùng khuỷu, phía trước dưới mỏm trên lồi cầu ngoài, đau tăng khi ngửa, duỗi cổ tay. Cần phải được bác sĩ chuyên khoa cơ xương chẩn đoán phân biệt với bệnh lý chèn ép rễ tủy cổ, đau do chèn ép nhánh sau của thần kinh quay và bệnh lý viêm đau do thấp, thoái hoá khớp khuỷu.

Tin tham khảo: tại đây


Làm gì khi bị viêm khuỷu tay?

Các bác sĩ sẽ điều loại bỏ nguyên nhân vi chấn thương, đẩy nhanh quá trình lành gân, sửa sai các động tác thể thao hoặc công việc trước đây. Tạm thời phải ngừng chơi quần vợt hay tất cả các môn chơi bằng vợt khác bởi vì thời kỳ nghỉ ngơi là rất quan trọng. Thậm chí không nên sử dụng tay cho bất cứ việc gì. Chườm đá trên khuỷu tay ngày 3 lần từ 30-60 phút trong giai đoạn đầu và 15 phút sau khi đã sử dụng tay bình thường. Bảo vệ da bằng cách đặt khăn giữa khuỷu và túi chườm đá. Kéo cơ căng giúp ngăn chặn được sự co cứng do làm vỡ các mô sẹo trong quá trình viêm tạo nên.

Bác sĩ vật lý trị liệu sẽ thao tác để làm giảm viêm trên tay của bệnh nhân và giúp bệnh nhân làm mạnh các cơ để bảo vệ vùng bị viêm và ngăn chặn các tổn thương xảy ra. Có thể phải dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng viêm. Nếu cần thiết tiêm corticosteroid tại chỗ thường có hiệu quả nhưng phải bảo đảm đúng phương pháp và vô trùng. Giai đoạn muộn phẫu thuật cắt bỏ mô viêm, khâu đính gân vào nguyên ủy hoặc kéo dài gân cơ...Nếu có các triệu chứng trên bạn nên đến khám sớm để được chữa trị đúng phương pháp.

Nguồn: Khoa Học Và Đời Sống